SỞ Y TẾ QUẢNG NINH

TTYT HUYỆN CÔ TÔ

QUY TRÌNH

Vào viện - Ra viện - Chuyển viện

Mã số: QTHC-05

Ngày ban hành: 11/2020

 

Căn cứ pháp lý

- Luật khám chữa bệnh số 40/2009/QH12 do Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành ngày 04/12/2009;

- Thông tư 07/2011/TT-BYT ngày 26/01/2011 của Bộ Y tế về việc Hướng dẫn công tác điều trị, chăm sóc người bệnh trong bệnh viện;

- Thông tư 40/2015/TT-BYT ngày 16 tháng 11 năm 2015 của Bộ Y tế về việc Quy định đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu và chuyển tuyến khám bệnh chữa bệnh bảo hiểm y tế

- Thông tư số 14/2014/TT-BYT ngày 14/4/2014 của Bộ Y tế về chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

- Quyết định số 1895/1997/QĐ-BYT ngày 19 tháng 09 năm 1997 của Bộ Y tế;

- Căn cứ Quyết định số 01/2008/QĐ-BYT của Bộ tưởng Bộ Y Tế về việc ban hành Quy chế Cấp cứu, Hồi sức tích cực và Chống độc ngày 21/01/2008;

- Theo văn bản quy phạm hiện hành.

Nơi tiếp nhận

Khoa khám bệnh - Cấp cứu và Khoa lâm sàng

Thời gian tiếp nhận

Tất cả các ngày trong tuần

Trình tự thực hiện

I. QUY TRÌNH VÀO VIỆN

Bước 1: 

- Người bệnh sau khi được khám bệnh (theo quy trình khám bệnh có BHYT hoặc Quy trình khám bệnh viện phí) mà có chỉ định nhập viện thì Bác sĩ phòng khám làm hồ sơ bệnh án cho người bệnh vào điều trị nội trú.

Bước 2: 

- Nhân viên phòng khám đưa người bệnh vào khoa điều trị (nếu người bệnh nặng thì đưa bằng cáng hoặc xe đẩy), giao hồ sơ bệnh án cho điều dưỡng khoa, có ký nhận vào sổ chuyển người bệnh.

Bước 3: Tại khoa điều trị:

- Điều dưỡng khoa điều trị: Tiếp nhận người bệnh vào khoa, kiểm tra hồ sơ bệnh án, ký nhận với bên bàn giao, hoàn thiện các thủ tục hành chính.

+ Xếp buồng, giường cho người bệnh, cho người bệnh mượn vật dụng, tư trang (quần áo, chăn, màn...). Hướng dẫn nội quy khoa phòng, nội quy bệnh viện.

+ Lấy dấu hiệu sinh tồn. Thực hiện các y lệnh của bác sĩ.

- Bác sĩ điều trị: Thăm khám bệnh nhân ngay khi được điều dưỡng khoa mời.

+ Hoàn chỉnh hồ sơ bệnh án, làm xét nghiệm bổ sung (nếu cần), chẩn đoán lâm sàng, cố định điều trị, chế độ dinh dưỡng và chế độ chăm sóc.

+ Theo dõi sát sao, thăm khám, điều trị và ghi đầy đủ vào hồ sơ bệnh án; kí ghi rõ họ tên và chức danh.

+ Trong quá trình điều trị bệnh nhân có diễn biến nặng phải báo cáo ngay trưởng khoa để phối hợp xử lý.

*/ Trường hợp cấp cứu: Điều dưỡng và bác sỹ điều trị phải khẩn trương cấp cứu bệnh nhân trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn.

*/ Trường hợp chuyển khoa: Khi phát hiện bệnh nhân có bệnh khác kèm theo, bác sỹ điều trị có trách nhiệm:

- Báo cáo với trưởng khoa đề nghị tổ chức hội chẩn khoa và hội chẩn liên khoa để quyết định việc chuyển khoa.

- Giải thích cho bệnh nhân và gia đình bệnh nhân nắm được.

- Điều dưỡng khoa chuyển bệnh nhân lên khoa khác đồng thời chuyển cả hồ sơ bệnh án.

- Bệnh nhân được chuyển khoa trong giờ hành chính, nhưng trong trường hợp cấp cứu được chuyển khoa ngay theo chỉ định của bác sỹ điều trị, bất kể thời gian nào.

- Bác sỹ điều trị tại khoa mới tiếp nhận người bệnh, thăm khám ngay và cho y lệnh kịp thời.

II. QUY TRÌNH RA VIỆN, CHUYỂN VIỆN VÀ THANH TOÁN:

Bước 1: 

- Người bệnh khi có chỉ định xuất viện, chuyển viện: Điều dưỡng thực hiện cho người bệnh những y lệnh cần thực hiện trước khi người bệnh ra viện/ chuyển viện.

                                                 

Bước 2: 

- Điều dưỡng thông báo cho người bệnh hoặc gia đình người bệnh thời gian ra viện, hướng dẫn người bệnh cách tự chăm sóc, theo dõi tại nhà.

Bước 3: 

- Điều dưỡng làm công tác hành chính khoa có trách nhiệm hoàn tất thủ tục hành chính và chuyển hồ sơ bệnh án về phòng kế toán thu viện phí làm thủ tục thanh toán theo quy định. Sau đó hoàn thiện hồ sơ bệnh án (theo quy trình quản lý hồ sơ bệnh án).

- Trình Lãnh đạo ký giấy ra viện hoặc chuyển viện cho người bệnh.

Bước 4: 

- Kế toán thu viện phí: Căn cứ vào bảng tổng hợp chi phí ra viện, đối chiếu họ tên, số tiền người bệnh đã điều trị và tiền đóng tạm ứng (thừa, thiếu) để hoàn trả hoặc thu thêm của người bệnh.

Bước 5: 

- Người bệnh hay người nhà bệnh nhân có trách nhiệm đến phòng Thu phí để thanh toán viện phí.

Bước 6: 

- Khi người bệnh hoàn thành thủ tục viện phí: quay trở lại khoa điều trị, điều dưỡng sẽ trả thẻ BHYT, giấy ra viện hoặc chuyển viện và các giấy tờ khác như giấy chứng nhận phẫu thuật, giấy chứng sinh… (nếu có) theo hồ sơ bệnh án.

Bước 7: 

- Người bệnh ra viện sẽ được Bác sĩ tư vấn về hướng điều trị và các chế độ tiếp theo (nếu có).

III. CÁC TRƯỜNG HỢP CHUYỂN VIỆN

1. Trường hợp chuyển viện từ phòng khám:

- Người bệnh vào phòng khám cần chuyển viện thì bác sĩ phòng khám giải thích tình trạng bệnh cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, ghi phiếu chuyển viện.

- Điều dưỡng trình Lãnh đạo bệnh viện ký giấy chuyển viện, đóng dấu và trả phiếu cho bệnh nhân.

2. Trường hợp chuyển viện từ khoa điều trị:

- Bác sĩ điều trị thấy quá trình điều trị cần chuyển viện thì phải hội chẩn trưởng khoa, (nếu cần hội chẩn BS chuyên khoa, liên khoa), xin ý kiến Ban Giám đốc. Hoàn thiện hồ sơ bệnh án, ghi phiếu chuyển viện.

- Điều dưỡng trình Lãnh đạo ký, đóng dấu trả phiếu cho bệnh nhân.

3. Trường hợp chuyển viện bệnh nhân nặng, cấp cứu: Phải có bác sĩ hoặc điều dưỡng đưa đi mang theo hồ sơ bệnh án tóm tắt, phiếu chuyển viện, có phương tiện cấp cứu trên đường di chuyển bệnh nhân. Liên hệ trước với bệnh viện dự định chuyển bệnh nhân đến (nếu cần). Đến nơi tiến hành bàn giao bệnh nhân, hồ sơ bệnh án, tư trang (nếu có) và ký sổ giao nhận bàn giao.